Các loại bệnh thường tấn công cây thanh long

Là loại cây trồng được ưa chuộng cả trong và ngoài nước, cây thanh long được nhà nông trên nhiều tỉnh thành lựa chọn làm loại cây phát triển kinh tế. Tuy nhiên trong quá trình trồng trọt và chăm sóc, thanh long cũng không tránh khỏi một số loại bệnh hại gây ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và mùa vụ. Bài viết sau đây, Tanixa chia sẻ đến bà con nhà nông các phòng chống và điều trị một số bệnh hại phổ biến thường tấn công cây thanh long.

  1. Bệnh đốm đen

Nguyên nhân

Nấm Bipolaris sp. là tác nhân gây ra bệnh đốm đen trên thanh long

Triệu chứng bệnh đốm đen

Ban đầu, vết bệnh sẽ xâm nhiễm từ vị trí rìa tai nụ hoa rồi lan dần vào trong. Thoạt đầu vết bệnh là những chấm nhỏ màu nâu đen sau đó vết bệnh phát triển thành dạng elip thuôn dài, có vết lõm ở giữa. 

Khi nấm bệnh tấn công ở vị trí đỉnh bông sẽ làm bông không nở được, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng vụ mùa.

Đặc điểm gây hại

Giống như các loại bệnh hại có mầm bệnh từ nấm, bệnh đốm đen phát triển mạnh khi gặp điều kiện ẩm ướt, ẩm độ không khí cao từ 80-90% và nhiệt độ khoảng 20-30 độ C.

Bào tử nấm bệnh Bipolaris sp. thường tồn tại trên bông bị bệnh hoặc trong tàn dư, xác bã thực vật trong vườn.

Biện pháp phòng trừ

– Thường xuyên chăm sóc và thăm vườn để sớm phát hiện nguồn bệnh

– Vệ sinh vườn định kỳ

– Cắt bỏ và tiêu huỷ toàn bộ cành, nhánh, cây bị bệnh.

– Rút râu sau khi hoa nở khoảng 2-4 ngày.

– Bón phân cân đối, nên bón các loại phân hữu cơ và Trichoderma.

  1. Bệnh đốm nâu

Nguyên nhân

Bệnh đốm nâu do nấm Neoscytalidium dimidiatum là tác nhân gây ra.

Triệu chứng bệnh đốm nâu

Bào tử nấm Neoscytalidium dimidiatum sẽ nảy mầm trên bề mặt trái, thân, cành thanh long sau đó xâm nhập vào trong mô gây hoại tử.

– Trên thân cành: Vết bệnh ban đầu là các vết lõm màu trắng (nên còn được gọi là bệnh đốm trắng, hoặc bệnh nấm tắc kè), sau đó vết bệnh nổi lên thành đốm tròn màu nâu. Khi bệnh phát triển mạnh và trở nặng, các vết bệnh sẽ liên kết với nhau làm cho cành thanh long trở nên sần sùi, rồi thối khô từng mảng.

– Trên trái xuất hiện những vết bệnh giống như trên thân và cành, những đốm nâu sẽ làm cho vỏ trái trở nên sần sùi rồi thối khô từng mảng. Khi bệnh nặng có thể gây nám trái làm giảm giá trị kinh tế nghiêm trọng.

Đặc điểm gây hại

Cũng giống như bệnh đốm đen, bệnh đốm nâu phát sinh và phát triển mạnh, lây lan nhanh khi thời tiết ẩm ướt, ẩm độ không khí cao, đặc biệt là mùa mưa. Những vườn thanh long rậm rạp cũng là một điều kiện thuận lợi để nấm bệnh phát triển và gây hại nặng.

Bào tử nấm lây bệnh chủ yếu qua hom giống, cành và trái bị bệnh, ngoài ra bào tử nấm còn bay theo gió và dòng nước chảy như nước mưa, nước tưới và thông qua các dụng cụ làm vườn, cắt tỉa.

Biện pháp quản lý

Để quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long một cách hiệu quả, bà con cần phải áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp như

Trồng giống sạch bệnh

Kiểm tra kỹ để loại bỏ hom giống nhiễm bệnh

Chỉ được lấy giống ở vườn thanh long không nhiễm bệnh.

Biện pháp canh tác

– Đối với các vườn thanh long có tuổi đời trên 4 năm, bà con cần cắt tỉa bớt cành cành già để tạo sự thông thoáng, giảm độ ẩm, giảm khả năng lây bệnh.

– Cắt bỏ và tiêu huỷ hoàn toàn những cành, trái mang bệnh.

– Tăng cường bón các loại phân lân, kali, phân hữu cơ hoai mục và bổ sung định kỳ các loại phân trung vi lượng như bo, canxi, magie, silic,…  để tăng sức đề kháng cho cây; không bón phân đạm và phun chất kích thích sinh trưởng khi cây đang bị bệnh.

– Không tưới cho vườn thanh long vào buổi chiều tối để tránh tạo điều kiện thuận lợi cho các bào tử nấm bệnh phát sinh, nảy mầm.

– Không mang các cành, trái bị bệnh sang vườn khác để tránh lây lan nguồn bệnh

– Cuối mùa khô, nên cắt ngắn từ 2-3 cm ở đầu phần cành non để thoát nước đọng trên cành, việc này giúp cành già nhanh nhằm hạn chế được việc nấm bệnh gây hại

– Cắt tỉa hoàn toàn chồi non trong mùa mưa, phun thuốc có chứa gốc đồng lên vết cắt ngay sau khi cắt tỉa.

– Thường xuyên thăm vườn, kiểm tra vườn để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp phun thuốc điều trị kịp thời. 

– Cần phun thuốc phòng bệnh cho vườn thanh long sau những đợt mưa kéo dài, đặc biệt đối với những khu vực thường xuyên mắc bệnh.

  1. Bệnh nám cành

Nguyên nhân

Bệnh nám cành trên cây thanh long do nấm Macssonina agaves là tác nhân gây bệnh

Triệu chứng

Vết bệnh nám cành trên cây thanh long là lớp bột mỏng màu xám xanh phủ trên cành.

Bệnh nám cành làm giảm khả năng quang hợp của cây, từ đó ảnh hưởng tới năng suất mùa vụ thanh long

Biện pháp phòng trừ

– Bà con nên chọn giống thanh long sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng

– Thường xuyên cắt tỉa cành, loại bỏ những cành già không còn khả năng mang trái để tạo độ thông thoáng cho trụ thanh long

– Thường xuyên kiểm tra, chăm sóc vườn, dọn và tiêu huỷ các tàn dư thực vật trong vườn

– Đào rãnh để vườn thoát nước tốt, đặc biệt vào mùa mưa, tránh tình trạng ngập úng nước trong vườn

–  Phun thuốc ngừa nấm khuẩn định kỳ để nấm khuẩn không phát sinh, phát triển trong vườn.

  1. Bệnh thối đầu trái

Nguyên nhân: Bệnh thối đầu trái do vi khuẩn Erwinia chrysanthemi là tác nhân gây ra

Triệu chứng

– Bệnh thường làm thối trái hoặc làm trái chín sớm ở vị trí bị thối nếu bệnh nhẹ.

– Bệnh thối đầu trái thường gây hại nghiêm trọng đối với thanh long ruột đỏ, chủ yếu là giai đoạn sau khi rút râu.

Biện pháp phòng trừ

– Thường xuyên thăm và chăm sóc vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ

– Cắt tỉa và tiêu huỷ những trái bị bệnh

– Không tưới nước lên trái khi trái còn nhỏ và lúc trời nắng nóng

– Phun các loại thuốc diệt khuẩn, diệt nấm bệnh vào thời điểm trước khi hoa nở từ 1-2 ngày và sau khi rút râu

– Bà con có thể tham khảo phun chế phẩm sinh học Clear Max định kỳ để tiêu diệt nấm, khuẩn cho vườn thanh long

  1. Bệnh thối rễ chết cành

Nguyên nhân

Nấm Phytophthora sp.Fusarium sp., tuyến trùng Pratylenchus sp. và Meloidogyne sp. là những tác nhân chính gây ra bệnh thối rễ chết cành trên cây thanh long.

Các bào tử nấm bệnh thường tồn lưu trong tàn dư thực vật và tuyến trùng thường nằm trong đất, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát sinh và phát triển gây hại cho rễ cây. Đặc biệt chúng sẽ lây nhiễm bệnh qua các vết thương hở trên rễ khi rễ bị tổn thương trong quá trình canh tác.

Triệu chứng

– Cây phát triển kém, cành héo dạng mất nước sau đó cụp xuống.

– Khi cây mới nhiễm bệnh, ban đầu chỉ một vài cành bị héo, sau đó toàn bộ cây thanh long sẽ bị héo vàng, cành khô và khi bệnh nặng có thể dẫn đến chết cây.

– Rễ cây thanh long sẽ bị thối từ rễ nhỏ sau đó lan dần vào trong rễ lớn.

– Vỏ rễ bị thối sẽ có màu nâu, bên trong rễ có các sọc nâu lan dần vào rễ cái. Khi bị nhiễm bệnh, rễ bị thối sẽ mất khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng.

– Đối với trường hợp cây bị nhiễm bệnh nặng, gần như toàn bộ hệ thống rễ bị thối đen và cây bị chết nhanh chóng.

Đặc điểm gây hại

– Bệnh thường phát sinh và phát triển mạnh trong mùa mưa

– Vườn ít chăm sóc hoặc trồng cây không chọn lọc kỹ nguồn giống cũng là điều kiện để bệnh phát triển gây hại trong vườn.

– Vườn thường xuyên bị ngập úng, thoát nước kém cũng tạo điều kiện để nấm bệnh và tuyến trùng phát triển, tấn công vào hệ thống rễ. Nước ngập làm rễ thiếu oxy dẫn đến làm lông hút và đầu chóp rễ bị hư thối cũng là nguyên nhân để bệnh thối rễ chết cành phát triển.

– Đất trong vườn có độ pH thấp từ 3,9 đến 4,5, đất chua, đất thiếu các chất vi lượng cũng là nguyên nhân để bệnh phát sinh.

– Thông thường, bào tử nấm bệnh sẽ lây lan thông qua dòng nước chảy của nước mưa hoặc nước tưới trong vườn và qua dụng cụ làm vườn.

Biện pháp phòng trừ

– Khi cây thanh long bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bệnh, bà con cần dừng ngay việc sử dụng phân bón, chất kích thích sinh trưởng và sử dụng các thuốc trừ nấm bệnh như Clear Max

– Sử dụng bộ đôi Vermi Max + Ligno Max định kỳ để ngăn ngừa và ức chế sự phát triển của tuyến trùng đồng thời tái tạo hệ vi sinh cho đất, nâng pH đất ổn định.

  1. Bệnh thối bẹ

Nguyên nhân

Tác nhân gây ra bệnh thối bẹ thanh long chính là vi khuẩn Erwinia sp.

Triệu chứng

Ban đầu vết bệnh có màu vàng về sau vết bệnh càng lan rộng và mọng nước rồi gây thối phần thịt trên cành, sau cùng chỉ để lại xương cành

Thông thường, nấm bệnh thường tấn công ở vị trí chóp non của cành

Đặc điểm gây hại

Bệnh thối bẹ thường phát sinh và phát triển mạnh vào mùa hè, nắng gay gắt, khi nhiệt độ cao từ 30 – 34 độ C.

Biện pháp phòng trừ

– Chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh

– Cắt tỉa và tiêu huỷ hoàn toàn những cành mang bệnh, xử lý vết cắt bằng các loại thuốc khử khuẩn

– Bón cân đối các loại phân, bổ sung phân hữu cơ hoai mục

– Tạo rãnh thoát nước tốt vào mùa mưa, tưới đủ nước cho cây vào mùa khô

  1. Bệnh thán thư

Nguyên nhân

Bệnh thán thư trên cây thanh long do nấm Colletotrichum sp. là tác nhân gây ra

Triệu chứng

Bệnh thán thư thường phát triển mạnh khi thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều, thông thường bệnh tấn công ở nhiều bộ phận khác nhau trên cây thanh long từ hoa, cành đến trái.

– Trên hoa, vết bệnh là những đốm đen nhỏ, khi bị nấm bệnh gây hại hoa sẽ bị khô đen và rụng

– Trên cành nấm bệnh thường tấn công từ vị trí mép cành sau đó lan dần vào bên trong. Vết bệnh trên cành có dạng gần tròn hoặc hình dạng bất định, vết bệnh là những vòng tròn đồng tâm màu nâu đậm, ở giữa tâm có màu nâu đỏ.

– Trên trái vết bệnh có hình dạng và màu sắc giống với vết bệnh trên cành, khác là vết bệnh có dạng lõm xuống

Biện pháp phòng trừ

– Đắp mô cao và tạo rãnh thoát nước để tránh tình trạng ngập úng trong vườn

– Rút râu sau khi hoa nở từ 2 đến 3 ngày

– Tỉa cành và tiêu hủy triệt để các cành mang nguồn bệnh và cành già không còn khả năng cho trái nhằm tạo độ thông thoáng và hạn chế nấm bệnh lây lan phát triển trong vườn

– Bón cân đối và hợp lý các loại phân bón, nên bón nhiều các loại phân hữu cơ hoai mục giúp cây phát triển và sinh trưởng tốt, có khả năng chống chịu và kháng bệnh tốt.