QUY TRÌNH CANH TÁC CHÈ CAO SẢN
- PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
- Phạm vi điều chỉnh: Quy trình này quy định các yêu cầu kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái cây chè cao sản, sản xuất tại Lâm Đồng.
- Đối tượng áp dụng: Quy trình này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất cây chè cao sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
- Mục tiêu kinh tế kỹ thuật: Thời kỳ kiến thiết cơ bản: 3 năm
– Năng suất bình quân trong giai đoạn kinh doanh: Từ 18 – 20 tấn/ha.
- GIỐNG VÀ YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH:
- Các giống chè cành cao sản:Bao gồm cácgiống TB14, LĐ97, LDP1, LDP2, PH1,…
- Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh:
– Nhiệt độ: Phạm vi nhiệt độ thích hợp là từ 18-250C.
– Độ ẩm và lượng mưa: Độ ẩm không khí 80-85% và lượng mưa hàng năm từ 1.500-2.000mm thích hợp nhất cho chè phát triển. Tại Lâm Đồng tuy lượng mưa lớn nhưng tập trung từ tháng 5-11, còn lại các tháng mùa khô cây chè bị thiếu nước vì vậy chống hạn trong mùa khô cho cây chè và hạn chế sói mòn trong mùa mưa cần được quan tâm chú ý.
– Đất trồng: Tỷ lệ mùn tổng số >2%, pHkcl = 4,5-5,5, tầng đất dày >0,8m trở lên. Kết cấu tơi xốp, độ dốc bình quân không quá 150.
III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:
- Thiết kế hàng chè và lô chè:Tùy theo địa hình đất để thiết kế lô trồng chè phù hợp biến động từ 0,5-2 ha/lô, dựa trên nguyên tắc hạn chế xói mòn, rửa trôi. Nơi đồi có độ dốc bình quân dưới 60(cục bộ có thể tới 80) thiết kế hàng thẳng theo đường bình độ chính, hàng cụt xếp ở bìa lô. Độ dốc trên 60 bố trí theo đường đồng mức, cục bộ bố trí theo kiểu bậc thang.
- Chuẩn bị đất:Đất trồng chè yêu cầu phải đảm bảo độ sâu, được san ủi nơi có độ dốc cục bộ, không có đá và gốc cây to, được phơi ải, sạch cỏ dại.
Thời gian làm đất vào cuối mùa mưa năm trước, đầu mùa khô để có thời gian phơi ải, tăng độ phì và diệt mầm mống sâu bệnh, đối với đất mới khai hoang ít mùn, đất phục hóa nên một vụ cây phân xanh cải tạo đất trước khi trồng, cây phân xanh là cây có khả năng cải tạo đất, tốt nhất là các cây họ đậu làm phân bón, tăng chất dinh dưỡng cho cây. Sau khi làm đất, gieo một vụ cây phân xanh (muồng lá nhọn, cốt khí, các loại đậu…lượng gieo 10-12kg hạt/ha; gieo vào tháng 2-3). Trước khi trồng chè được 1 tháng cắt toàn bộ hàng cây phân xanh giữa 2 hàng chè vùi dưới rãnh + phân chuồng + phân lân lấp đất chờ trồng chè. Làm đất trồng chè phải đạt yêu cầu: Sâu, sạch, ải, vùi lớp đất mặt có nhiều hạt cỏ xuống dưới, san ủi dốc cục bộ. Cày sâu lật đất 35-40cm. Trường hợp không thể cày sâu, cuốc lật toàn bộ để đất được ải, xốp, diệt cỏ dại.
- Bón phân lót:Lượng bón đạt yêu cầu từ 18-20 tấn hữu cơ chuồng hoai (đất xấu bón nhiều) và 1.000kg lân/ha (dùng lân nung chảy hoặc Super lân). Đối với các loại phân hữu cơ lượng phân bón lót từ 4,5-5 tấn/ha. Bón trước khi trồng 20-30 ngày, sau khi bón tiến hành đảo phân lấp hố cách mặt đất 7-10 cm.
- Thời vụ trồng:Từ ngày 15 tháng 5 đến ngày 30 tháng 8, tốt nhất trồng trong tháng 6.
- Mật độ và khoảng cách trồng: Tùy điều kiện đất đai, mức độ đầu tư thâm canh và trình độ canh tác, nên trồng theo khoảng cách 1,5m x 0,8m; mật độ 8.333 cây/ha hoặc 1,4m x 0,8m; mật độ 8.928 cây/ha.
- Kỹ thuật trồng: Trước khi cuốc hố cần định trước khoảng cách cây và cây, nên dùng dây thiết kế theo hàng, cắm tiêu. Cuốc ngay tâm tiêu với kích thước hố 30x30x30cm và cuốc theo hàng đã được thiết kế, sâu 25-30cm để trồng
Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn: Cây con đạt 8-10 tháng tuổi; có 6-8 lá thật trở lên, chiều cao cây tính từ mặt bầu ≥ 25cm thân mọc thẳng; đường kính thân ≥ 2,5mm có 1/3 thân đã hóa gỗ; cây không bị sâu, bệnh dị hình, không biểu hiện sâu bệnh.
Kỹ thuật trồng: Rải phân chuồng + lân chia đều các hố, mỗi hố rải 1 cây. Dùng cuốc trộn đất và phân, dao rạch bỏ túi nilon, tránh bị đứt rễ, không làm bầu vỡ cây chè dễ bị chết. Đặt cây thẳng hàng theo chiều gió rồi lấp đất chặt xung quanh hố. Trồng mặt bầu thấp hơn mặt đất 2-3cm, nếu trồng sâu sẽ bị mối ăn hoặc quá cạn bị gió lay làm chết cây. Trồng xong rải hoặc phun thuốc trừ mối vào gốc bằng Vibasu 10H, Diaphos10H, Vibam từ 25-30kg/ha.
- Trồng dặm:
Dặm năm trồng: Dặm kịp thời những cây bị chết, cây yếu bằng những cây cùng tuổi, cùng độ cao, tính lượng cây dặm khoảng 5% số cây trồng.
Dặm chè KTCB: Chăm sóc năm I, II chè vẫn chết nên phải trồng dặm.
Cây trồng dặm: Chọn những cây tốt nhất, trồng dặm phải cuốc hố rộng và bón phân lót đầy đủ. Chú ý chế độ chăm sóc đặc biệt cho những cây trồng dặm, tạo điều kiện tốt nhất cho chúng phát triển đuổi kịp các cây trồng trước đó.
- Trồng cây che bóng, chắn gió:
– Cây phân xanh: Trồng cây che bóng tạm thời bằng muồng hoa vàng. Khi trồng chè được 1 tháng, cây phân xanh gieo giữa hàng chè khoảng cách 1m/hố, khi cây chè phát triển phá dần ép cây phân xanh làm phân. Ngoài ra trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, khoảng cách giữa 2 hàng chè đất còn trống cần có cây trồng xen để giữ ẩm cho đất vào mùa khô, hạn chế xói mòn trong mùa mưa, khống chế cỏ dại, có nguồn phân xanh bổ sung chất hữu cơ cho đất, cây trồng xen tốt nhất là cây họ đậu như lạc, đậu tương.
– Cây chắn gió: Xung quanh lô, trồng các loại cây muồng đen, keo lá tràm, keo tai tượng. Khoảng cách giữa các hàng 40-50m, trồng hàng kép nanh sấu, cây cách cây 3 ma, nên bố trí hàng chắn ngang hướng gió chính.
– Cây che bóng cần có sức sinh trưởng mạnh, không có cùng đối tượng sâu bệnh như cây chè, là cây thân gỗ cao như muồng đen, keo dậu, keo tây, trồng 20 x 20m/cây. Ngoài ra có thể trồng xen cây ăn trái như sầu riêng ghép vừa che bóng vừa tăng hiệu quả kinh tế, mật độ trồng xen là: 12x14m (60 cây/ha).
- Làm cỏ:
– Chè thời kỳ KTCB: Giữ cho vườn chè luôn sạch cỏ, cỏ trong gốc chè nhổ bằng tay. Mỗi năm phải làm cỏ từ 4-6 lần; kết hợp xới xáo với các lần làm cỏ, bón phân. Tiến hành tủ giữ ẩm vào cuối mùa mưa hàng năm (tháng 11-12) nhưng không được lấp gốc. Thông thường tủ cách gốc 5-7cm tránh mối phá hại.
– Chè thời kỳ kinh doanh: Làm sạch cỏ từ 4-6 lần/năm, mùa khô dãy cỏ gom vào gốc, mùa mưa dãy cỏ gom ra ngoài hàng chè. Mùa mưa kết hợp dùng thuốc hóa học để diệt đúng đối tượng cỏ dại theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Kỹ thuật bón phân:
Năng suất thu hoạch của cây chè là búp và lá non, mỗi ha chè cành thu hoạch bình quân giai đoạn kinh doanh từ 18-20 tấn/ha vì vậy lượng dinh dưỡng cây lấy đi của đất khá nhiều, nếu không bổ sung đầy đủ cây chè sẽ sinh trưởng kém, năng xuất giảm.
– Bón phân chè trồng mới: Sau khi trồng bón nhử 69kg N + 50kg K2O/ha tương đương với lượng phân thương phẩm 150kg urê + 83kg KCL chia làm 10 lần bón (trung bình 15 ngày một lần), khi bón nhử, phải bón cách gốc > 10cm.
– Bón phân cho chè KTCB: (Tính theo kg/ha)
Tuổi chè | Loại phân | Số lượng (kg/ha) | Số lần bón | Thời gian bón (Tháng) | Phương Pháp bón phân vô cơ |
Chè 1 tuổi | Hữu cơ
Ure KCL Supe lân |
10.000
850 215 800 |
01
12 12 01 |
Chia lượng phân bón 1 tháng/lần Riêng H/cơ + lân bón tháng 5-6 | Trộn đều các loại bón sâu 6-8 cm cách gốc 20-30 cm lấp đất kín. |
Chè 2 tuổi
(đốn tạo hình lần 1) |
Hữu cơ
Ure KCL Supe lân |
10.000
1.000 255 950 |
01
12 12 01 |
Chia lượng phân bón 1 tháng/lần . Riêng H/cơ+ lân bón tháng 5-6 | Trộn đều các loại bón sâu 6-8 cm cách gốc 30 cm lấp đất kín. |
Chè 3 tuổi | Hữu cơ
Ure KCL Supe lân |
15.000
1.200 305 1.000 |
01
12 12 01 |
Chia lượng phân bón 1 tháng/lần . Riêng H/cơ+ lân bón tháng 5-6 | Trộn đều các loại bón sâu 6-8 cm cách gốc 30 cm lấp đất kín. |
Lưu ý: Với chè mới trồng hoặc KTCB phải bón cách xa gốc > 10cm. Thường xuyên thay đổi các loại phân không nên bón quá nhiều đạm và lân vì đất dễ bị chua và chai cứng.
– Bón phân cho chè kinh doanh:
+ Phân đa lượng: Tùy theo điều kiện đất đai (hàm lượng mùn, dinh dưỡng khoáng, mức năng suất thu hoạch) áp dụng bón phân N:P:K theo tỷ lệ 3:1:1, với lượng 30kg N/tấn sản phẩm chè búp tươi. Lượng phân cụ thể như sau:
Khối lượng phân nguyên chất:
Mức năng suất (tấn/ha) | N (kg/ha) | P2O5 (kg/ha) | K2O (kg/ha) |
<20 | 599 | 181 | 203 |
≥20-25 | 760 | 231 | 251 |
≥25-30 | 898 | 280 | 299 |
> 30-40 | 1.198 | 412 | 398 |
Khối lượng phân nguyên chất quy thành phân thương phẩm:
Mức năng suất (tấn/ha) | Urê (kg/ha) | Super lân (kg/ha) | Kaliclorua(kg/ha) |
< 20 | 1.300 | 1.130 | 340 |
≥20 – 25 | 1.650 | 1.445 | 420 |
≥25 – 30 | 1.950 | 1.750 | 500 |
> 30 – 40 | 2.600 | 2.575 | 665 |
* Cách bón:
Phân đạm bón theo tán chè lúc ẩm độ đất 70-80%, vùi sâu 6-8 cm, bón 5-6 lần/năm, từ tháng 4-11; Phân Urê có thể thay bằng phân phân đạm SA.
Lân bón vào đầu vụ (tháng 4-5) 1 lần cùng với các phân khác; Super lân có thể thay bằng phân lân nung chảy
Kali bón cùng phân đạm, clorua kali (KCL) thay bằng sunfat kali (K2SO4)
Hàng năm nên thay đổi các dạng phân hoặc phối hợp theo tỷ lệ thích hợp để không làm dư thừa các chất có trong phân mà cây không hấp thụ. Cũng có thể dùng phân hỗn hợp NPK.
+ Phân trung, vi lượng: Vùng trồng chè ở Lâm Đồng trên đồi dốc, lượng mưa lớn và tập trung nên các yếu tố vi lượng bị rữa trôi làm cho đất bị thiếu hụt vi lượng, nhất là magiê, kẽm. Việc cung cấp chất vi lượng có thể thông qua bón phân hữu cơ, một phần trong phân hóa học nhưng với hàm lượng rất thấp. Dạng vi lượng thường dùng cho chè là Sunfat magiê (MgSO4) và Sunfat kẽm (ZnSO4).
Lượng bổ sung: Bón gốc phối trộn tỷ lệ 50kg MgSO4 và 3,5kg ZnSO4.
+ Phân hữu cơ: Không những cung cấp dinh dưỡng cho cây mà còn cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học trong đất. Nguồn phân hữu cơ bao gồm phân chuồng, phân xanh và các nguyên liệu ép xanh.
Sử dụng phân hữu cơ sinh học có thành phần chính: Chất hữu cơ >25%; N 2,5-3%; P205 0,3%; K20 1-1,3%; lượng bón 2,5 tấn/ha/năm.
Lưu ý: nên bón tăng lượng phân hữu cơ sinh học trên nền đất hữu cơ kém hàm lượng chất hữu cơ < 2,5%.
Có thể sử dụng phân chuồng ủ hoai 20-25 tấn/ha, 3 năm/lần. Phân hữu cơ bón vào đầu mùa mưa, rạch hàng, bón lấp.
+ Phân bón lá: Khi đã bón cân đối các loại phân cho cây chè (phân gốc) để ổn định năng suất và nâng cao chất lượng chè thành phẩm, nên dùng các loại chế phẩm dinh dưỡng bón qua lá. Liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì. Phun ngay sau lứa hái (2- 3 lứa hái/lần), phun lúc sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa.
- Tưới nước:Yêu cầu tưới nước của cây chè trong mùa khô, tuy không nhiều nhưng nếu được tưới thì năng suất búp sẽ tăng nhất là đồi với chè cành có bộ rễ ăn nông. Tùy điều kiện để áp dụng các cách tưới như tưới tràn, tưới phun mưa…làm sao đảm bảo yêu cầu nước và có hiệu quả kinh tế. Trong mùa khô nếu có điều kiện cứ khoảng 20-25 ngày tưới 1 lần, mỗi lần 500-700m3nước/ha.
Nguồn: Trung Tâm Khuyến Nông Lâm Đồng